Xoài là một trong ba loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh được khuyến khích trồng mới, thâm canh để tăng năng suất. Xoài là cây dễ trồng nhưng muốn đạt hiệu quả cao, nông dân nên tuân thủ một số phương pháp kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong chọn giống, trồng và chăm sóc.
Hiện nay, trên thị trường có khoảng 50 giống xoài các loại, có một số giống nhập từ nước ngoài về cho năng suất cao và chất lượng ngon. Tuy nhiên những giống xoài được người tiêu dùng ưa thích là: cát Hòa Lộc, Cát Chu, Thái Lan, ĐT-X15…
1/ Chọn giống
– Xoài cát Hòa Lộc xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, có đặc tính trái to, trọng lượng 0,6-0,7kg/trái. Đây là giống xoài ngon có tiếng, cơm dày, thịt vàng, không có xơ, hạt nhỏ hương vị thơm ngon.
– Xoài Cát Chu có 2 loại, Chu Đen và Chu Trắng. Đây là giống xoài được xếp thứ 2 sau xoài cát Hòa Lộc. Đặc điểm của giống xoài này là trọng lượng trái khoảng 0,4-0,5kg/trái, cơm dày, hạt nhỏ, không xơ và ngọt.
– Xoài Thái Lan được nhập về Đồng Nai từ vài năm nay, trái giống xoài Thanh Ca nhưng tròn hơn và vỏ dày xanh đậm hơn. Trọng lượng trung bình của trái 0,3- 0,35 kg/trái. Trái ăn có vị ngọt.
– Xoài ĐT-15, đây là giống xoài xanh của Thái Lan có chất lượng ngon đang được thị trường ưa chuộng. Tỷ lệ đậu trái cao, cây 5 tuổi cho năng suất từ 60-70kg/cây. Trọng lượng trung bình của trái 0,35-0,4kg/trái. Trái tròn dài, hơi cong ở phía đuôi, vỏ xanh đậm có thể ăn xanh, chín đều rất ngon.
– Xoài Bưởi: Còn gọi là xoài ghép Cái Bè. Lá và vỏ trái chứa nhiều tinh dầu có mùi như lá bưởi. Giống có nguồn gốc từ huyện Cái Bè (Tiền Giang), thường được trồng từ hột, nhưng lại có khả năng cho trái sớm, chỉ sau 2 –3 năm từ gieo hột (nên còn được gọi là xoài “3 mùa mưa”). Đây là loại giống lai, và nhờ trồng từ hột nên cho nhiều cây có đặt tính nổi bật và đặt sắc như: Vỏ trái dày hơn (dễ chuyên chở), ít mùi hôi khi trái còn xanh, thịt trái chắc hơn (không nhão như xoài Bưởi thường)… Xoài Bưởi có thể chịu phèn và khô hạn khá tốt, nhưng chịu úng tương đối kém. Trái năng 300 – 400g, thịt vàng, hơi nhão, ngọt trung bình, hột hơi to với tỷ lệ sơ trung bình, thịt trái chiếm 70% trái. Năng suất cao 100 – 150 kg/cây/năm.
– Khi trồng nên chọn giống ghép, cây phải khỏe mạnh, sạch bệnh, đúng giống. Vị trí ghép cách gốc từ 15-20cm, chiều cao cây 50-70cm tính từ mặt bầu lên.
2/ Thiết kế vườn trồng
– Vườn trồng phải thoát nước tốt trong mùa mưa.
– Vườn làm chống xói mòn để đảm bảo độ phì cho đất.
– Vườn phải thông thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại cho cây.
– Tùy theo địa hình nên bố trí mương thoát nước cho phù hợp. Mương thoát nước phụ rộng 0,3-0,4m, sâu 0,3-0,4m. Mương chính rộng 0,5-0,8m và sâu 0,5-0,7m.
3/ Thời vụ và cách trồng
– Trồng xoài vào đầu mùa mưa, từ tháng 5-7 để có đủ nước tưới trong giai đoạn đầu.
– Đào hố kích thước khoảng 60x60x60 cm, mỗi hố trộn 30-50 kg phân hữu cơ đã hoai mục và 0,5kg vôi bột, 0,5kg lân và 1 muỗng cà phê phèn xanh vào lớp đất mặt. Cho tất cả các hỗn hợp này xuống hố để từ 20-30 ngày mới trồng. Khi trồng trộn thêm khoảng 2kg phân hữu cơ vi sinh/gốc.
– Khoảng cách trồng tùy vào độ màu mỡ của đất, nhưng mật độ thường là 6x6m hay 8-9m/cây. Có thể trồng theo hình vuông. Nếu trồng xoài ĐT-15 mật độ 3x3m/cây song phải tạo tán thường xuyên. Tuy nhiên, ở những vùng cao nên trồng thưa để cây có tán lớn, tuổi thọ cao.
4/ Bón phân
– Giai đoạn cây tơ bón 100-150 gram phân NPK 20-20-15+TE/gốc/lần. cây con năm đầu tiên nên pha phân vào nước tưới 2 tháng/lần.
– Giai đoạn cây lớn, khi cây cho trái gia tăng lượng phân bón sau khi thu hoạch để cây đủ sức nuôi trái năm sau.
– Trên đất màu mỡ không nên bón nhiều phân ure cho cây.
– Ở một số loại xoài bón nhiều phân ure, Kali trái bị nứt, có vị chát. Gặp trường hợp này bón thêm vôi, CaSO4.
– Cắt tỉa cành bị sâu bệnh và cành vượt tránh lây lan dịch bệnh.
5/ Tỉa cành, tạo tán
– Xoài là cây ra hoa đậu trái ở đầu cành, tạo tán tròn đều nhận ánh sáng từ mọi phía sẽ thuận lợi cho việc ra hoa đậu trái. Khi cây có chiều cao 1m cắt tỉa cành chỉ để lại chiều cao khoảng 0,8m, cây phát triển 5-7 cành mới cắt chỉ để 3 cành khung tỏa đều 3 hướng làm cành cấp I. Khi cành cấp I dài 0,5-0,8m tỉa tiếp và chỉ để lại 3 cành làm cấp II và từ cành cấp 2 chỉ tỉa để lại 3 cành cấp III. Sau đó ngưng tỉa để cây phát triển tự nhiên, lúc này cây sẽ có bộ khung vững chắc và tán sẽ phát triển theo dạng tròn.
– Hàng năm sau khi thu hoạch nên tỉa bỏ cành sâu bệnh, cành khuất trong tán, cành mất cân đối, để cây thông thoáng. Việc tỉa cành nên làm ngay sau khi thu hoạch trái để dễ dàng xử lý cây ra hoa.